Quả thật, các hành vi vi phạm có liên quan đến máy bay đều sẽ bị xử phạt rất nặng. PLO xin điểm lại những vụ việc bị xử phạt để mọi người cũng tự nhắc nhở bản thân nghiêm túc thực hiện đúng quy định khi chọn phương tiện di chuyển bằng máy bay.
Mở cửa thoát hiểm trên máy bay bị phạt 15 triệu đồng
Chuyến bay VN2170 từ TP HCM đi Thanh Hóa ngày 22/7, khi máy bay đáp xuống sân bay Thọ Xuân, có gần 200 hành khách chuẩn bị xuống máy bay.
Lần đầu tiên đi máy bay, hành khách Phạm Minh Ninh (61 tuổi ) ngồi ở số ghế 29G, do ngồi lâu, mệt, nên muốn xuống nhanh. Thấy còn nhiều hành khách di chuyển từ từ ra cửa, sốt ruột, lại thấy có cánh cửa nên ông Ninh quyết định…mở để xuống cho nhanh mà không biết đó là cửa thoát hiểm.
Ngay khi cánh cửa thoát hiểm 3L được mở, phao trượt kỹ thuật bung mở nên máy bay phải chờ bộ phận kỹ thuật của Vietnam Airlines tiến hành đóng lại cửa thoát hiểm. Việc này khiến chuyến bay VN 1272 tiếp sau đó từ Thanh Hóa đi TP HCM phải khởi hành chậm khoảng 1h40 phút so với kế hoạch. Ngoài ra, hãng hàng không phải cắt lại 36 khách. Trong đó 13 khách được chuyển ra Hà Nội bay từ Nội Bài cùng ngày, nhưng 23 khách còn lại phải dời lịch bay sang ngày khác hoặc hoàn trả lại vé vì theo quy định không được xếp khách vào khu vực vừa bung cửa thoát hiểm.
Với hành vi này, ngày 28/7, hành khách Phạm Minh Ninh đã bị cảng vụ Hàng không miền Bắc xử phạt 15 triệu đồng.
Nói đùa có bom: phạt 4 triệu
Sáng 12-6, chuyến bay VJ8571 của hãng hàng không VJA từ Hà Nội đi Nha Trang làm thủ tục kiểm tra đón khách lên máy bay.
Tại cửa máy bay, hành khách Lê Nguyễn Tuấn Tùng (ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã không làm theo hướng dẫn của tiếp viên mà còn nói “Kiểm tra thẻ rồi kiểm tra bom luôn đi”.
Vì lời nói này, chuyến bay VJ8571 phải hoãn lại, toàn bộ hành khách và hành lý đã xếp trên máy bay bị đưa xuống để kiểm tra an ninh khiến chuyến bay bị chậm gần 4 giờ vì kiểm tra an ninh.
Vì lời nói đùa này mà hành khách Lê Nguyễn Tuấn Tùng đã bị Cảng vụ Hàng không miền Bắc xử phạt 4 triệu đồng. Theo Càng vụ, do hành khách phát ngôn có bom ở ngoài cửa máy bay khi máy bay chưa cất cánh nên mức phạt tiền như vậy là thấp hơn so với tình huống xảy ra khi máy bay đang ở trên không trung.
Phạt nặng vì mở cửa máy bay… cho mát
Chiều ngày 14/4, trên chuyến bay VN1615 của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Pleiku, hành khách Trần Văn Bình (39 tuổi, quê Thái Bình, trú tại huyện Krongpa, Gia Lai) cảm thấy nóng bức khó chịu. Lúc này, cơ trưởng đã nhận được lệnh cất cánh, cho nổ máy để chuẩn bị di chuyển ra đường băng.
Sẵn có ghế ngồi gần cửa thoát hiểm, ông Bình đứng lên… mở cửa phía bên phải máy bay với ý nghĩ rằng như thế sẽ khiến cho trên máy bay… mát hơn.
Cũng may cửa thoát hiểm khá nặng (khoảng 15 kg), cần các thao tác mở, nâng, đẩy mới bật ra được nên ông Bình vừa hì hục mở cửa, tiếp viên đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn nên cửa vừa mới bị xì khí, chưa làm bung phao trượt.
Hậu quả về việc muốn mát mẻ của ông Bình đã khiến chuyến bay bị chậm hơn một giờ đồng hồ so với dự kiến vì phải thực hiện đồng bộ hành lý (dỡ hành lý của ông Bình) và kiểm tra kỹ thuật máy bay.
Ông Bình bị phạt 10 triệu đồng, mức thấp nhất của khung phạt tiền đối với hành vi mở cửa thoát hiểm máy bay, từ 10 đến 20 triệu đồng do hoàn cảnh ông đặc biệt khó khăn. Ông Bình làm nông, quê ở Thái Bình nhưng vào huyện Krongpa, tỉnh Gia Lai theo diện làm kinh tế mới để thoát nghèo. Sau chuyến về thăm quê, ông Bình mua vé máy bay để sớm vào Pleiku.
Sau khi vét sạch tiền trong túi và tìm đủ mọi cách vay mượn thêm mới đủ nộp phạt, ông Bình đã không dám bay tiếp nữa mà trả lại vé máy bay (mất 10% phí theo quy định hoàn vé) để đi tàu hỏa cho tiết kiệm.
Đụng tới nhân viên hàng không cũng phạt
Ngày 29/9/2013, tại sân bay quốc tế Nội Bài, hành khách Trương Thị Thiên Trang (34 tuổi, thường trú huyện Phú Mỹ, Bình Định) làm thủ tục lên chuyến bay VJ8687 từ Hà Nội đi TP HCM.
Tại cửa ra máy bay do mang hành lý cồng kềnh, vượt quá số lượng quy định, cũng không đồng ý làm thủ tục gửi nên hành khách này không được lên máy bay. Tức mình, chị Trang đã… rượt đuổi nam nhân viên hàng không từ cửa ra tàu bay đến khu vực soi chiếu an ninh, hành hung và xé rách áo người này.
Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã quyết định xử phạt chị Trương Thị Thiên Trang 7,5 triệu đồng về hành vi này.
Hút thuốc lá trên máy bay phạt 3 triệu đồng
Khoảng tháng 7/2014, chuyến bay VJ 8631 của VietJet Air từ Vinh đi TPHCM cất cánh được khoảng một tiếng thì anh Trương Hữu H. (30 tuổi, quê Nghệ An) cảm thấy… thèm thuốc hút.
Trước khi cất cánh, tiếp viên đã phát thanh thông báo hành khách không được hút thuốc lá trên máy bay, kể cả thuốc lá điện tử, nếu hành khách vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, do không kìm được anh Trương Hữu H. đã vào buồng vệ sinh phía đầu máy bay, gần buồng lái để hút thuốc lá và đã bị tiếp viên phát hiện.
Hành khách Trương Hữu H sau đó đã bị lập biên bản và bị xử phạt hành chính 3 triệu đồng đối với hành vi này. Mức phạt này đã được giảm nhẹ so với quy định (khung cao nhất là 5 triệu đồng) do anh H có tinh thần thành khẩn nhận lỗi và hợp tác tốt với cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
Bị cấm bay vì nghe điện thoại
Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay 4 tháng đối với nữ hành khách Mai Thị Minh H. (46 tuổi, quê Thanh Hóa) vì sử dụng điện thoại di động trái phép trên máy bay.
Sự việc xảy ra mới đây trên chuyến bay VJ8666 của VietJet Air. Dù đã được tiếp viên phát thanh nhắc nhở về việc phải tắt các thiết bị điện tử khi tham gia chuyến bay nhưng hành khách Mai Thị Minh H. vẫn cố tình sử dụng điện thoại.
Sự việc ngay lập tức bị lập biên bản, sau đó báo cáo lên Cảng vụ Hàng không miền Bắc. Ngày 14/8, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã ra quyết định xử phạt hành chính 4 triệu đồng đối với hành khách Mai Thị Minh H. nhưng nữ hành khách không chấp hành. Vì vậy, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã gửi báo cáo sự việc lên Cục Hàng không Việt Nam và đề nghị áp dụng hình phạt cấm bay có thời hạn.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tất cả các hãng hàng không, đại lý vé máy bay không thực hiện vận chuyển và không bán vé cho hành khách Mai Thị Minh H. trên tất cả các hành trình nội địa và quốc tế trong thời gian từ ngày 28/9/2014 - 28/1/2015.
Trong giai đoạn máy bay cất-hạ cánh, việc sử dụng các thiết bị điện tử có thể phát ra sóng vô tuyến, gây nhiễu hệ thống vô tuyến điện tử và ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống dẫn đường máy bay.
Nghịch cửa thoát hiểm máy bay phạt 15 triệu đồng
Hành khách Chuang Wen (SN 1930, người Đài Loan, Trung Quốc) bị phạt 15 triệu đồng vì hành vi “nghịch cửa” thoát hiểm máy bay.
Trên chuyến bay VN581 của Vietnam Airlines hành trình từ Cao Hùng (Đài Loan) về TP.HCM hôm 19/11/2013, ông Chuang Wen (ngồi ghế 27) đột nhiên nhào về phía cửa thoát hiểm, gạt chốt cửa và cố ấn nút “open”. Hành vi này đã được ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên sau đó, ông này vẫn bị giám sát suốt cả hành trình bay cho đến khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Giải thích cho hành vi của mình, ông Chuang Wen nói do có nhu cầu đi vệ sinh nên tưởng khu vực cửa thoát hiểm là cửa toilet và cố sức mở
Bị hủy bay vì thông tin không đúng CMND
20h 55 ngày 16/10/2013, lực lượng an ninh tại ga đi quốc nội Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã phát hiện 13 hành khách đi trên chuyến bay VN 1337, hành trình Đà Nẵng-TP.HCM dùng giấy tờ xác nhận nhân thân do Công an phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM có thông tin khác với chứng minh nhân dân.
Cảng vụ hàng không miền Trung đã xử phạt hành chính 1 triệu đồng/1 người và buộc các hành khách này phải hủy chuyến bay đó.
Nhóm khách trên từ TP.HCM ra hành hương tại Thánh địa La Vang (Quảng Trị) và ra Quảng Bình, Quảng Trị thăm bà con vừa bị bão lũ. Họ đã mua vé giá rẻ tập thể của một đại lý vé ở TP.HCM. Thực tế, mỗi lần các hãng máy bay có vé giá rẻ thì các đại lý đã mua hết bằng cách đăng ký tên giả để giữ chỗ. Khi khách có nhu cầu mua họ ra công an địa phương xác nhận khống cho đúng tên đã đăng ký mua vé để lên máy bay.
Chụp ảnh trong buồng lái cũng phạt
Vụ việc xảy ra từ ngày 11/4/2014 trên chuyến bay số hiệu VN 595, hành trình Hong Kong đi TP.HCM.
Vụ việc được phát hiện từ việc trên mạng đưa hình ảnh một diễn viên nổi tiếng tạo dáng chụp hình chung với cơ trưởng và cơ phó chuyến bay trong buồng lái.
Vụ việc gây xôn xao dư luận và khiến các quan chức hàng không giật mình vì việc ngồi lên ghế cơ phó khi máy bay đang bay là uy hiếp an toàn bay. Cô diễn viên đội mũ phi công và ngồi hẳn lên ghế phụ của cơ phó. Lúc đó, máy bay đang ở chế độ bay ổn định.
Ngay lập tức Thanh tra Cục hàng không vào cuộc. Thanh tra xác định cô diễn viên không có lỗi. Cơ trưởng Nguyễn Ngọc Như Ý bị phạt tiền 7 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái máy bay vận tải hàng không 1 tháng.
Cơ phó Nguyễn Xuân Hải cũng bị phạt 3 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái máy bay vận tải hàng không 1 tháng. Riêng tiếp viên trưởng Lâm Quang Tiến bị phạt tiền 750.000 đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ tiếp viên hàng không 1 tháng về hành vi thực hiện nhiệm vụ không đúng theo chứng chỉ chuyên môn đã được cấp.
Hy hữu: Đánh ghen trên máy bay phạt 15 triệu đồng
Gần đây nhất là vụ đánh ghen um sùm trên máy bay vô cùng hy hữu giữa hai người phụ nữ. Vụ việc khiến hai người phụ nữ bị phạt mỗi người 7,5 triệu đồng.
Hai người phụ nữ đã chửi nhau thậm tệ, sau đó dùng guốc đánh nhau khiến các hành khách khác hoảng loạn. Mặc dù đã được ngăn cản nhưng cuộc chửi bới, hăm dọa nhau vẫn tiếp tục diễn ra.
Vụ việc sau đó được làm rõ đó là vụ đánh ghen giữa vợ ông Đ. là bà L. (sinh năm 1990) và hành khách ngồi kế bên là bà H. (sinh năm 1986) được cho là người tình của ông Đ.
Vụ việc phức tạp đến mức đội an ninh phải dùng dụng cụ trấn áp ngăn cản và yêu cầu 3 người phải rời máy bay ngay tức khắc. Ba người đã lấy hành lý chấp hành rời khỏi máy bay.
Chuyến bay của VNA mang số hiệu VN 274 dự định cất cánh vào lúc 21h ngày 21/11 từ TP.HCM đi Hà nội đã bị chậm 35 phút do sự cố đánh ghen trên.
2014/12/hang-hang-khong-vietjet-la-khach-hang.html
Trả lờiXóa